Ai trong ngành giảng dạy ngoại ngữ chắc biết cái Comprehensible Input Hypothesis (tạm dịch là giả thuyết về dữ liệu ngôn ngữ trong tầm tiếp thu) của Stephen Krashen. Đến giờ thì đây vẫn là vấn đề cơ bản của học ngôn ngữ thứ 2 cũng như ngôn ngữ của của quê hương và gia đình (ở đây gọi tạm theo tiếng Anh là heritage language or HL). Gần đây ở hội thảo TESOL ở New York, Krashen trình bày về chủ đề phát triển HL và phát biểu nhất quán rằng việc đọc rộng và đọc nhiều vì yêu thích là một nhân tố quan trọng dẫn đến thành công trong phát triển HL. Tuy nhiên vấn đề cơ bản mà ông ấy nêu ra và có dẫn chứng là người học không tìm được sách phù hợp và hay ở ngôn ngữ mình muốn học – ví dụ như tiếng Việt. Nếu đến thư viện công cộng, thư viện nhà trường, hay tìm trên mạng, chắc các phụ huynh ở Mỹ cũng thấy là không dễ dàng tìm được sách tiếng Việt. Tất nhiên, dữ liệu ngôn ngữ mà người học tiếp thu còn qua nghe người trong gia đình, xem bài hát, hoạt hình, phim ảnh, v.v. nên sách cũng chỉ là một phần thôi.
Khi nói chuyện gần đây với một phụ huynh có con ở Mỹ, bạn ấy cũng chia sẻ con tiếp thu tiếng Việt tốt hơn và thích học hơn khi các hoạt động ngôn ngữ giúp các con hiểu được ý nghĩa của ngôn từ và kết nối được với cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản của học ngôn ngữ thứ 2. Việc học phải bắt đầu bằng nội dung, bối cảnh, và ý nghĩa. Nếu các em chỉ học quy tắc đánh vần mà không hiểu được ý nghĩa của từ mình đọc thì sẽ không phát triển được vốn từ và quy tắc cũng trở nên trống rỗng. Tất nhiên các em vẫn nên học đánh vần, nhưng phải là với những từ mình biết ý nghĩa.
Về mặt nội dung thì các em cũng cần được nghe và đọc những câu truyện bằng tiếng Việt mà các em cũng cảm thấy gần gũi và phần nào miêu tả được những trải nghiệm của các em ở Mỹ. Học những kiến thức mới, như các môn học, bằng HL cũng là một cách giúp các em hiểu nội dung, để ý đến ngôn từ, và qua đó phát triển ngôn ngữ.
Xin chia sẻ tóm tắt một bài gần đây đưa ra số liệu rất thú vị về việc phát triển HL của Cho, Shin, và Krashen (in press). Bài đầy đủ ở đây: http://sdkrashen.com/content/articles/heritage_languages.pdf
Mức độ sử dụng ngôn ngữ quê nhà ở thế hệ thứ hai giảm dần qua các bậc học phổ thông. Ví dụ học sinh nói tiếng Tây Ban Nha dùng tiếng TBN 85% trước khi vào học cấp 1, 37% khi học cấp 2, và 18% khi học cấp 3 (Garcia and Diaz, 1992).
Khả năng HL giảm theo thời gian. Ví dụ, trong số 363 học sinh người Việt được khảo sát khi 14 tuổi và 2 năm sau, số học sinh được cho là nói rất tốt tiếng Việt giảm từ 41% đến 34% và đọc rất tốt giảm từ 17% đến 14% (Zhou, 2001).
Khi học sinh học đến cấp 3, khả năng ngôn ngữ tiếng Anh đều cao hơn HL. Với học sinh người Việt, thì khả năng tiếng Anh trung bình là 3.42 (theo thang từ 1-4) và khả năng tiếng Việt là 2.54 ngay cả khi 94% phụ huynh nói mình sử dụng HL với con (Portes and Rumbaut, 2001).
Tuy nhiên một điều đáng mừng là phần lớn người sử dụng HL đều muốn cải thiện vốn HL của mình khi đến tuổi trưởng thành và trong nhiều trường hợp lấy lại được khả năng sử dụng HL của mình. Bài báo nhấn mạnh rằng không có một lý do nào cho việc không phát triển HL vì không có một bằng chứng nào chứng tỏ HL làm giảm khả năng phát triển ngôn ngữ và trí tuệ, và thực ra còn có dẫn chứng cho thấy HL còn giúp ích cho phát triển ngôn ngữ và trí tuệ (Krashen, 1998). Và những ưu điểm thì đã quá rõ, đặc biệt trong việc giữ gìn và phát triển các mỗi quan hệ với gia đình, cộng đồng, quê hương, và cộng sự hay đối tác trong tương lai.
Tóm lại, những nêu trên là lý thuyết để phụ huynh và người học cân nhắc. Xin chia sẻ một nguồn sách miễn phí có những quyển tương đối hay: https://storyweaver.org.in/. TS. Linh Phùng và một vài phụ huynh và học sinh cũng dịch một số cuốn từ Anh sang Việt và Việt sang Anh và chia sẻ ở đây: www.eduling.org/resources.
Thông tin thêm về Eduling:
Website: www.eduling.org
Facebook page: www.facebook.com/edulingusa
Facebook group: www.facebook.com/groups/eduling
Email: edulingusa@gmail.com
Youtube channel: https://www.youtube.com/channel/UCBfHiLTMxsVJFllF7FefYag
Comments