Ngày Chủ Nhật 20/2, Eduling và H&L books rất vinh hạnh được sự chia sẻ của PGS-TS-Nhà thơ Phạm Văn Tình và TS-Nhà thơ Phạm Đình Ân về thơ và làm thơ cho thiếu nhi. Hai nhà thơ có kinh nghiệm làm thơ rất nhiều năm và có nhiều tác phẩm xuất bản trong sách thơ và sách Tiếng Việt.
Dù là một buổi sáng trời mưa và rất rét ở Việt Nam, nhà thơ Phạm Đình Ân đã không ngại đường xa đến nhà PGS Tình để cùng chia sẻ với các khán giả trên Zoom và trên Facebook của sự kiện. Nhà thơ Tình chia sẻ rằng làm thơ phải xuất phát từ cảm xúc và những câu chuyện của cuộc sống. Tuy nhiên, khác với văn xuôi, thơ phải có vần điệu, súc tích, và giàu cảm xúc. Theo PGS Phạm Văn Tình, để làm thơ thì ta trước tiên phải yêu thơ, nhận diện được các thể thơ (như thơ 4 chữ, 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, và thơ tự do) trong tiếng Việt.
Nhà thơ Ân sau đó chia sẻ một số điều kiện để có thể làm thơ cho thiếu nhi: (1) Người làm thơ phải yêu trẻ và hiểu trẻ và tình yêu này không chỉ giới hạn với con em trong gia đình mà phải bao gồm trẻ nhỏ ngoài xã hội. Như vậy thơ mới có chiều sâu. (2) Người làm thơ cũng cần phải nhiệt tình làm thơ và tiếp cận thơ ở khía cạnh khoa học để hiểu tâm lý trẻ. (3) Người làm thơ cũng cần năng khiếu, nhưng năng khiếu này không đơn thuần là bẩm sinh và còn do ý chí và quá trình phát triển lâu dài. Với nhà thơ, tài năng là từ lao động. (4) Người làm thơ còn cần kiên nhẫn theo đuổi thơ lâu dài và không phải bài thơ nào mình làm cũng hay nhưng cũng có lúc sẽ có những bài hay bất chợt.
Có một bạn hỏi rằng có cần hóa thân thành trẻ nhỏ thì mới viết được thơ cho thiếu nhi. Nhà thơ Ân cho rằng, mình cần hiểu trẻ nhưng cũng là người đứng ngoài quan sát và định hướng cho trẻ đến những giá trị nhân văn của cuộc sống. Nhà thơ chia sẻ rằng thơ cho trẻ em cần: Ngây thơ, trong trẻo, giản dị; vui nhộn và hài hước; hay mới mẻ và lạ kì. Ngoài ra thơ cho trẻ em còn cần chất tự sự với những câu chuyện thu hút được các em. Chất trữ tình có thể không hợp với người đọc là thiếu nhi. Những câu chuyện này cũng cần giàu hình ảnh, màu sắc, và âm thanh. Với thơ tiếng Việt, những bài thơ giàu chất dân gian cũng có thể thu hút các em. Nhà thơ chỉ ra rằng, thơ cho thiếu nhi có thể là thể loại hiện thực trực tiếp hoặc đồng thoại (cây cỏ, hoa lá, con vật dùng lời thoại). Tuy nhiên thể loại đồng thoại cũng có thể là đã có quá nhiều.
Có rất nhiều bạn tham gia buổi chia sẻ là giáo viên tiếng Việt hay tiếng Anh ở Mỹ và Việt Nam. Các bạn cũng hỏi gợi ý của hai nhà thơ về việc dạy người học hay trẻ nhỏ làm thơ. Hai nhà thơ đồng quan điểm rằng để làm thơ thì người học và trẻ nhỏ cần đọc thơ để thơ ngấm vào mình. Hai nhà thơ so sánh với việc thưởng thức đồ ăn và nấu ăn. Sau đó, người dạy cần tùy vào độ tuổi của người học mà quyết định. TS Linh Phùng, người tổ chức buổi trao đổi, có chia sẻ rằng chị cũng dạy trẻ nhỏ làm thơ nhưng thường theo hướng đọc bài và phân tích ngôn ngữ. Hoạt động làm thơ cho người học là hoạt động phát triển ngôn ngữ và “vui đùa” với ngôn ngữ để người học hiểu hơn việc chọn từ để diễn đạt điều muốn nói. Trong sự kiện, PGS Phạm Văn Tình chia sẻ rất nhiều bài thơ, mang lại bao cảm xúc, sự thích thú, và kỉ niệm tuổi thơ cho các bạn tham gia. Một trong những bài thơ rất trong sáng, giản dị, và ý nghĩa là bài Ngôi Nhà Yêu Thương của nhà thơ sáng tác.
NGÔI NHÀ YÊU THƯƠNG
Mở mắt em đã thấy Mây bay trước hiên nhà Gà trong sân mổ thóc Giàn mướp nở đầy hoa
Sáng theo mẹ đến lớp Chiều bố dẫn đi chơi Tối cả nhà sum họp Trăng khuya sáng đầy trời
Cuối sự kiện, nhà thơ Ân chia sẻ bài thơ “Cười, nói, khóc” rất đáng yêu, ngộ nghĩnh.
CƯỜI, NÓI, KHÓC
Cười kể cũng hơi dễ Cứ vui thì cười thôi Nhưng phải cho đúng lúc Ở đâu cùng ai cười
Nói ắt khó hơn Lựa làm sao phải phép Khéo léo và thật thà Mất lòng không bị ghét
Khóc vừa dễ vừa khó Cứ òa là xong ư Sợ nhất người ăn vạ Nước mắt khô cười trừ
Còn TS Linh Phùng chia sẻ nhanh về bài thơ cô viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt sắp xuất bản thành sách tranh có tên Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ (Thông tin thêm tại www.eduling.org/hl). Bài thơ cô làm dựa vào những điều con nói trong những năm đầu đời và kể chuyện về gia đình đa màu sắc và chủng tộc của cô. Hai khổ thơ cuối có sự giúp sức của PGS Phạm Văn Tình và được các bạn tham gia đầy chất Việt.
TRÒ CHƠI KÉO CO NGÔN NGỮ (2 khổ cuối) Con tiếc không có cánh Không bay được như chim Nhưng con muốn tự tìm Đường tiến lên phía trước
Con là con gái mẹ Lại là bạn thân thương Mình có duyên có phúc Mãi mãi chung chặng đường
Để chia vui, PGS Phạm Văn Tình tặng người tổ chức chương trình bài thơ Lung Linh (dù người nhận bài thơ không bao giờ nghĩ mình lung linh).
LUNG LINH
Lung linh một sáng xuân về Cành đào vẫn nở bên hè thắm tươi Lung linh em - một nụ cười Từ nơi xa một chân trời gửi trao
Bây giờ mận mới hỏi đào Phùng Linh đã có anh nào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa Vườn hồng có lối từ xưa lắm rồi.
Comments