Bài viết đang trên cuốn sách Gần Như Là Nhà (Almost Home) của NXB tuổi trẻ.
Tôi đến từ Việt Nam
“Xin chào! Tên tôi là Linh. Tôi làm việc ở trường Đại học Chatham. Tôi phụ trách chương trình tiếng Anh cho sinh viên quốc tế. Tôi đến từ Việt Nam, nhưng sống ở Mỹ hơn 10 năm… Học tập đưa tôi đến nước Mỹ, nhưng tình yêu và hôn nhân khiến tôi ở lại.”
Không biết bao lần tôi giới thiệu bản thân và giải thích sự hiện diện của tôi ở nước Mỹ đại loại như vậy. Tôi không ngại giải thích, nhưng hiểu rằng ở khía cạnh nào đó mình vẫn là “người lạ”. Không giải thích, thì người ta cũng sẽ hỏi. Không chỉ hỏi “Cô từ đâu đến?” có người sẽ đoán “Thế cô dạy tiếng Trung à?” "Vậy cô dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc?” Khi biết là người Việt Nam, một ông Mỹ từng hỏi “Cô là người tị nạn đến Mỹ à?” Có lẽ hình ảnh đầu tiên trong đầu ông ấy về Việt Nam là cuộc chiến tại Việt Nam những năm 60-70. Tôi không tức giận, nhưng tôi biết danh tính của tôi vẫn có điều gì “khó hiểu” với họ. Vả lại con người ta thường có thói quen suy đoán về danh tính người khác dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, và góc nhìn của riêng mình.
Vậy tôi từ đâu đến và điều gì dẫn tôi đến nước Mỹ?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê xa xôi ở Bắc Giang vào những năm 80 khi đất nước còn nghèo khó và nhiều thiếu thốn. Cơm gạo chỉ đủ ăn, quần áo mẹ tự may, bánh kẹo hiếm khi mới có. Lớn lên tôi mới hiểu một phần nào hậu quả của chiến tranh, cấm vận, kinh tế tập trung, và cô lập. Khi tôi học hết lớp một, bố tôi được cử đi học đại học ở Liên Xô. Mẹ cùng hai chị em tôi chuyển ra một ngôi nhà riêng ở ven làng. Gần đồng và vắng vẻ. Tôi bắt đầu giúp mẹ rửa bát, nấu cơm và làm vườn. Có cái đài nhỏ, tôi lúc nào cũng mang theo khắp nơi và nghe đủ các kênh, nghe đến thuộc hết lịch phát thanh cả tuần. Trong trí nhớ, tôi vẫn hình dung rõ ràng hình ảnh của mình: một con bé còi cọc nhưng nghiêm nghị và lúc nào cũng suy tư.
Khi tôi học xong cấp một thì bố cũng về nước do Liên Xô sụp đổ. Bố mẹ thấy tôi ham học và mong muốn con có điều kiện tốt hơn nên gửi tôi đến ở với bác ruột ở thành phố Hải Dương. Ngày đó và có lẽ là cả bây giờ, giáo dục cũng như cơ sở vật chất và điều kiện sống ở thành phố ở Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều so với nông thôn. Giờ nghĩ đến các em và cháu ở nông thôn, tôi hiểu rằng các em phải chịu nhiều thiệt thòi khi sinh ra có ít điều kiện hơn người khác, và gia đình ít mối quan hệ xã hội nên cơ hội kinh tế và việc làm cũng hạn chế hơn.
Khi chuyển đến thành phố Hải Dương, tôi thi đậu vào lớp chuyên tiếng Anh của thành phố. Học tiếng Anh ban đầu thật khó. Tôi run rẩy viết từng chữ của những từ tiếng Anh xa lạ như một đứa trẻ mới tập viết. Nhưng khi tôi bắt đầu nhớ từ và hiểu ngữ pháp, tinh thần ham học của tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi thấy yêu tiếng Anh và muốn chinh phục tiếng Anh và các môn học khác. Tôi đặt mục tiêu là học sinh số một của lớp từ đó và tập trung phần lớn thời gian vào việc học hành. Tôi ngưỡng mộ cô giáo tiếng Anh vì cô thật gần gũi, quan tâm, và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa với tiếng Anh. Chúng tôi học những bài hát nổi tiếng từ Boney M, ABBA, và các ca sỹ nổi tiếng khác. Chúng tôi say mê diễn kịch bằng tiếng Anh. Thật tự hào được học và thể hiện kiến thức về các vùng đất xa xôi như Anh, Mỹ!
Lên lớp 8, tôi thi đậu vào trường chuyên mới mở của tỉnh và tiếp tục học lớp chọn tiếng Anh. Tôi học giỏi đều các môn, là học sinh số một của lớp (xếp hạng theo điểm), và giữ chức lớp trưởng đến khi học hết cấp 3. Nhưng những năm mới lớn ấy chẳng dễ dàng. Tôi luôn giày vò bản thân sao mình không xuất sắc hơn, thông minh hơn, và đạt nhiều danh hiệu hơn. Có bạn thân nhưng lúc nào tôi cũng sợ mình nhàm chán vì tính tình quá nghiêm túc. Có lẽ trí óc của tôi lúc nào cũng bận rộn, suy tư và lo lắng. Nhưng có lẽ vì vậy mà tôi luôn cầu tiến và ham học hành.
Được giải quốc gia, tôi chọn vào học Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia. Tôi không còn giữ được vị trí số một, nhưng vẫn chăm chỉ học hành. Với niềm say mê tiếng Anh và ngưỡng mộ các nước nói tiếng Anh, tôi xem thêm phim ảnh và đọc về các tổ chức quốc tế như UN, AFTA, World Bank, và IMF. Tôi cảm động vì những lời trong bài phát biểu “I Have a Dream” của Martin Luther King, Jr. Trong lớp học, chúng tôi cũng đọc nhiều bài nói chuyện của Bill Clinton và hào hứng khi ông dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và đến thăm Đại học Quốc gia năm 2002. Nhìn lại tôi hiểu rằng động lực học xuất phát từ niềm say mê là nhân tố chính giúp tôi thành công trong việc học tiếng Anh. Cô giáo tiếng Anh đầu tiên là người nhen nhóm niềm say mê đó.
Ra trường và làm việc ở trường mấy năm, tôi được học bổng sang Mỹ học cao học ở một trường tốt về lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ tiếng Anh. Bạn học tôi có cả người bản địa và sinh viên quốc tế. Nhiều người nghĩ rằng cứ là người bản địa là có thể giảng dạy tiếng Anh, nhưng để phát triển giáo trình, tài liệu, và hoạt động giảng dạy hiệu quả, người dạy cần kiến thức chuyên môn sâu cộng với kinh nghiệm thực tế. Chúng tôi học quá trình phát triển tiếng Anh từ góc độ tâm lý và xã hội cho đến các phương pháp giảng dạy kiến thức (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm) và kĩ năng tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết). Nghề dạy học không hề đơn giản.
Chuyện kể dài, nhưng tôi muốn chia sẻ rằng con đường học vấn và tiếng Anh đưa tôi đến nước Mỹ và vị trí hiện tại. Bao năm trôi qua, danh tính gần gũi với tôi nhất có lẽ vẫn là người ham học và cầu tiến. Trong sâu thẳm, tôi vẫn là một cô bé nghiêm nghị, có một trí óc không yên, có nhiều cảm xúc nhưng khó bộc lộ vui buồn. Nhưng khác với cô gái nhỏ bé đó, giờ đây tôi có cảm nhận rõ ràng hơn về bản thân và những người xung quanh. Tôi đã hiểu thêm, dù chỉ một chút thôi, ý nghĩa cuộc sống của mình.
Vậy vị trí hiện tại của tôi là gì?
Học xong cao học, tôi về nước rồi lại quay lại Mỹ lập gia đình và định cư. Khi quay lại Mỹ năm 2010, tôi dạy bán thời gian cho trường Đại học Chatham và trường Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, Pennsylvania. Điều làm tôi cảm kích là hai sếp nhận việc đủ cởi mở và hiểu biết để thuê tôi khi mà nhiều nơi chỉ muốn giáo viên là người bản địa. Khi sếp tôi ở trường Chatham nhận việc khác, cô đề cử tôi thay thế vì thấy tôi có khả năng và nhiệt tình làm việc. Tôi nhận việc quản lý khi mà nước Mỹ và môi trường làm việc vẫn còn nhiều mới mẻ với mình. Đó cũng là khoảng thời gian mà chương trình tiếng Anh có thêm rất nhiều sinh viên từ Ả Rập. Thật không dễ khi phải giải quyết các đòi hỏi khác nhau của sinh viên, kỉ luật và thậm chí đề nghị đuổi học sinh viên, quản lý và phát triển giáo viên.
Có bao nhiêu điều bỡ ngỡ ở vị trí mới! Tôi lao vào giải quyết hết việc này đến việc khác. Với những nhận xét tích cực từ sinh viên, sự nhiệt huyết của giáo viên, và danh tiếng của chương trình ở Pittsburgh, tôi hiểu mình đã và đang làm tốt công việc của mình. Khả năng (cộng với sự may mắn) giúp tôi có được công việc ổn định khi chân ướt chân ráo định cư ở xứ người.
Trong công việc hiện tại, tôi làm việc với sinh viên, đồng nghiệp, và đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua các lớp học và các hoạt động văn hóa, tôi kết nối sinh viên quốc tế với sinh viên và cộng đồng bản địa. Tôi đến nhiều nước để thiết lập quan hệ đối tác và nói chuyện với sinh viên. Là tiến sỹ, nhà quản lý, giảng viên, nhà nghiên cứu, và tác giả có sách xuất bản, có thể nói tôi đạt được một số thành công nhất định. Là một người nhập cư, tôi biết chặng đường của tôi bằng phẳng hơn nhiều người khác. Nhưng tôi cũng hiểu những rào cản và đấu tranh mà mình trải qua với vị thế là “người lạ” và người thiểu số ở cả Việt Nam và ở Mỹ. Với từ "thiểu số", tôi muốn nói đến vị trí của nhóm người ít quyền lực: người nông thôn, dân nhập cư, phụ nữ, người da màu, v.v. Tôi suy nghĩ nhiều về vị thế và con đường hội nhập của mình.
Vị thế người thiểu số
Cũng như những phụ nữ khác, tôi nhận ra mình phải vượt qua nhiều rào cản hơn là nam giới. Khi còn nhỏ, là con gái, tôi được khuyên làm nghề giáo viên vì đó là “nghề dễ dàng cho phụ nữ và dễ xin việc.” Tôi hiểu học nghề dễ xin việc là lời khuyên chính đáng. Nhưng bây giờ nhìn lại đôi khi tôi băn khoăn không biết liệu con đường của mình có khác đi, nếu gia đình và xã hội không khuyên tôi theo đuổi một ngành nghề nhất định chỉ vì tôi là con gái.
Gần đây tôi có nghe cháu ở Việt Nam đọc một bài thơ mẫu giáo về các nghề nghiệp khác nhau: chú phi công, chú hải quân, bác lái tầu, bố trên dàn giáo, mẹ làm đồng. Vô tình hay cố ý, các nghề nghiệp nghe “quan trọng” đều là việc của nam giới. Chỉ có việc làm đồng là việc của phụ nữ. Kể cả ở Mỹ, quan niệm rằng nữ giới ít năng lực hơn không phải là hiếm, thể hiện ở mức lương khác nhau cho nam và nữ, hay cách nuôi dạy con cái. Đầu năm 2017, trên tạp chí khoa học và báo New York Times xuất bản kết quả đáng buồn của một dự án nghiên cứu lớn. Báo cáo chỉ ra rằng ở tầm sáu tuổi, so với các bé trai, các bé gái ít nghĩ rằng giới tính của mình thông minh. Các bé gái bắt đầu có suy nghĩ là một số hoạt động “không dành cho các bé gái” vì các bé không đủ thông minh. Quan niệm và định kiến xã hội đã xâm nhập vào suy nghĩ của các bé từ rất sớm!
Bản thân tôi ở nơi làm việc, khi thẳng thắn phát biểu và bày tỏ thái độ không hài lòng hay giận giữ, tôi thường được khuyên là không nên “hung hăng như vậy”. Tôi nghe từ một nhóm tư vấn về kĩ năng thương lượng rằng nếu phụ nữ muốn đưa ra yêu cầu gì, họ cần phải nhẹ nhàng “theo đúng phong cách nữ”. Và dường như, nơi nào cũng vậy, phụ nữ bị coi “thấp” hơn đàn ông và luôn có điều gì đó “không đúng và không bình thường” trong cách họ nói chuyện, suy nghĩ, và làm việc. Con đường đi cho nữ giới vì thế cũng hẹp hơn.
Nghề dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai ở Mỹ không phải là một ngành nghề được đánh giá cao. Nhiều khi ở một trường đại học, chương trình tiếng Anh không được coi trọng bằng với các chương trình giảng dạy khác. Đã có lúc có người hạ thấp khả năng đóng góp của tôi bằng câu phát biểu như, “Linh chỉ là một giáo viên tiếng Anh thôi mà”. Khi tôi kể câu chuyện, có người đùa rằng chắc sẽ chẳng có ai nói “Anh ta chỉ là một bác sỹ thôi mà”. “Chỉ là một giáo viên tiếng Anh” là câu nói ám ảnh tôi cho đến tận giờ vì nó miêu tả danh tính mà xã hội coi là “thấp kém”.
Có thể vì trải nghiệm của người thiểu số và “thấp kém” như vậy mà tôi luôn cố gắng làm việc ngoài trách nhiệm của mình để chứng minh bản thân. Tôi cũng thường sẵn sàng đấu tranh cho sự công bằng ở nơi làm việc. Khi ai đó có phát biểu hạ thấp người khác và gọi họ là “rác rưởi”, tôi phản đối ngay. Khi sinh viên có yêu cầu khó nhưng hợp lý, tôi giúp các em trình bày yêu cầu với lãnh đạo ngay cả khi chính sách của trường nói là “không thể”. Cũng vì vậy, đôi khi lãnh đạo khuyên tôi là “phải kiềm chế cảm xúc” hay “ít nóng tính đi”. Kể cả người thân tôi nghĩ rằng tôi làm vậy vì không hài lòng với vị trí hiện tại và luôn muốn có vị thế cao hơn.
Với mỗi kinh nghiệm buồn hay mỗi lần “đấu tranh”, cũng có lúc tôi thấy thất vọng và nản lòng, đôi khi kiệt sức và bế tắc như thể là vùng vẫy mãi mà vẫn giữa dòng. Nhưng tôi cũng hiểu và thông cảm hơn với những khó khăn của bao người khác còn ít may mắn hơn mình: những người ít có cơ hội thoát khỏi hoàn cảnh của mình, những người bị đay nghiến và xúc phạm thường xuyên trong các mối quan hệ xã hội, những người bị coi là người không bình thường chỉ vì danh tính của họ. Tôi hiểu ra rằng bản tính của tôi (cầu tiến) cộng với vị thế của tôi (người thiểu số và ít quyền lực) thúc giục tôi đấu tranh cho sự công bằng cho bản thân cũng như người khác dù là qua những hành động nhỏ bé. Tôi cố gắng làm tốt công việc của mình, nhưng trong lòng vẫn không yên vì nghĩ mình chưa làm được nhiều điều trong thâm tâm nghĩ mình nên làm.
Suy nghĩ về quê hương và hội nhập
Trong cuộc sống hằng ngày, hiếm khi tôi phải nêu tên mình là người Việt Nam hay người Mỹ. Khi giới thiệu bản thân, tôi thường miêu tả về nghề nghiệp, sở thích, và các hoạt động xã hội. Nói cách khác, tôi miêu tả bản thân với hành động nhiều hơn là tên gọi. Có lẽ vì vậy, tôi không có cảm giác bị giằng xé giữa hai danh tính Việt và Mỹ. Tôi hiểu hội nhập đòi hỏi hoạt động thường xuyên với các cộng đồng khác nhau trong một khoảng thời gian dài: cộng đồng nơi mình làm việc, cộng đồng chuyên môn, thành phố nơi mình ở, hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân, v.v.
Hội nhập là ít đi cảm giác mình là người lạ. Bản thân tôi đã cảm thấy thân quen hơn với cuộc sống ở nước Mỹ dù người ngoài có thể vẫn thấy tôi “khó hiểu”. Danh tính không chỉ là nhận thức và thể hiện của cá nhân (ví dụ khi ai đó nói “Tôi là người Mỹ”) mà còn là sự công nhận, ngộ nhận, và áp đặt của người khác và xã hội (như khi ai đó tưởng tôi là người Trung Quốc hay người tị nạn). Thế nên đôi khi có sự xung đột về danh tính giữa ta và người.
Tôi không có cảm giác trôi nổi và giằng xé, nhưng tôi hiểu sống giữa hai nền văn hóa có những điều được mất. Khi ngôn ngữ, kiến thức, và kĩ năng với đất nước mới ngày càng sâu sắc thêm thì có bao điều mình bỏ lỡ ở đất nước mình sinh ra và lớn lên. Tôi từng về Việt Nam nói chuyện với sinh viên và đồng nghiệp ở Việt Nam. Mỗi lần về tôi đều hồi hộp vì không biết mình có còn biết giao tiếp sao cho đúng cách Việt Nam, mình có biết chút gì về những vấn đề đang xảy ra trong nước, hay những từ mới đang thịnh hành trong tiếng Việt. Đất nước thay đổi nhanh chóng từng ngày, và khi về nước, tôi thấy mình lớ ngớ hơn. Ở khách sạn, đi taxi, tôi thấy mình giống khách du lịch hơn là người bản địa. Ít đọc sách báo, nghe nhạc, xem phim tiếng Việt, tâm hồn của mình có lẽ cũng ít Việt hơn.
Sống xa gia đình tới nửa vòng trái đất, điều khó khăn nhất là những dịp vui buồn của gia đình mà mình không biết đến hay được tham gia. Có không biết bao nhiêu cái Tết, đám cưới, sinh nhật, lễ đầy tháng, mừng thọ, giỗ tổ tiên mình bỏ lỡ. Mỗi lần bỏ lỡ, khoảng cách với quê hương lại dài thêm. Ông bà và bố mẹ ngày càng già đi, nhưng liệu mình sẽ có dịp nào được chăm sóc lại? Ít nói chuyện với gia đình hơn, sợi dây tình cảm, dù là mãi mãi, cũng đôi chút mòn đi.
Nhớ lại cái đêm mà mấy chục người thân tiễn tôi đi du học ở sân bay, từ phòng kiểm tra vé vào kiểm tra an ninh, tôi bước chân đi không khóc và không ngoảnh đầu lại. Cũng như ngày đó, điều duy nhất tôi có thể làm là bước tiếp con đường mà cả hoàn cảnh và sự lựa chọn cá nhân mở ra cho tôi cho đến lúc này.
Dù được hay mất, trải nghiệm từ hai đất nước và nền văn hóa đã giúp tôi suy nghĩ về sự đa dạng cũng như sự tương đồng của nhân loại rõ ràng hơn. Trái đất này có bao người khác nhau về màu da, giới tính, nguồn gốc, tôn giáo, quan điểm chính trị, thế giới quan, người họ yêu và muốn kết hôn, người dị tật về thể chất, người có bệnh về tâm thần... Như thể là những bông tuyết trôi nổi trên bao tầng mây, nhiệt độ, độ ẩm khác nhau và trở thành độc nhất vô nhị, cộng với sự lựa chọn của riêng mình, mỗi cá nhân con người là duy nhất. Nhưng ai cũng mong muốn được yêu, được tôn trọng, và được có cơ hội tiến lên phía trước.
Với trải nghiệm của mình, tôi mong ước một thế giới bình đẳng hơn. Bình đẳng để ai cũng có cơ hội thoát khỏi sự ràng buộc của hoàn cảnh và số phận và tìm thấy tự do cá nhân. Bình đẳng để ít xung đột và có hòa bình. Với vị thế hiện tại, tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé để kết nối các nền văn hóa và mang mọi người đến gần nhau, cảm thông với nhau nhiều hơn. Để khi nghe câu chuyện và nỗi lòng của ai đó, vì hiểu rằng họ là vô nhị, bạn tin rằng câu chuyện ấy xuất phát từ chân lý và sự thật cá nhân của chính họ.
Comments